Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

1. Làm gì khi răng mọc lệch lạc, hô hay móm?

Răng bị lệch lạc, hô, hay móm…, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Răng bị lệch khó làm sạch, dễ dẫn đến các bệnh như sâu răng, viêm nướu. Những “trục trặc” trên xử lí dễ dàng hơn nếu được chữa trị sớm. Bên cạnh việc khám trên răng miệng, bác sĩ chỉ định chụp phim X-quang để kiểm tra răng miệng. Với trẻ, nhờ chụp X-quang sẽ xác định trẻ có thiếu mầm răng vĩnh viễn nào không, dự đoán thời gian thay răng cũng như mức độ lệch lạc răng, từ đó đưa ra giải pháp điều trị.
Một trong những giải pháp quan trọng là chỉnh nha. Đây là biện pháp sử dụng các khí cụ tháo lắp hoặc mắc cài cố định, sắp xếp lại răng đúng vị trí. Với những tiến bộ của kỹ thuật nha khoa, chỉnh nha không chỉ dành cho trẻ mà còn dành cho người lớn. Ngay cả ở độ tuổi 50 vẫn chỉnh nha được. Thời gian chỉnh nha kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm rưỡi. Trong thời gian này, khách hàng sẽ được hướng dẫn chải răng đúng cách, đồng thời bác sĩ sẽ phát hiện ra những răng bị sâu hoặc những bệnh khác liên quan đến răng miệng để có hướng xử lý.
2. Gắp đầu bấm viết bi mắc trong phổi, phế quản
Hai trẻ có dị vật trong đường hô hấp vừa được cấp cứu tại bệnh viện Nhi Đồng 2 và xuất viện ngày 19.3.
Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhi 14 tuổi, ở Vũng Tàu bị dị vật là đầu bấm viết bi mắc trong phế quản.
Trường hợp thứ hai là một bệnh nhi 10 tuổi (Gò Vấp), bị dị vật đầu bấm viết bi nhựa hình cây dù rớt vào đường thở, nằm ở đáy phế quản bên phải, gây viêm đáy phổi.
Theo lời kể của hai bệnh nhi, các em đã gặp tai nạn khi đang học bài, ngậm đầu nút bấm viết bi và vô tình để đầu nút rớt vào trong họng.
Hai ca nói trên thành công nhờ hoạt động mô hình liên khoa hô hấp, tai mũi họng và phẫu thuật của bệnh viện.

3. Kim Minh: uống nhiều nước và bổ sung vitamin 
Được trêu chọc là “người có thể phồng lên và xẹp xuống như quả bóng”. Có thể hôm nay bạn gặp một Kim Minh đầy đặn thì một tuần sau gặp lại bạn sẽ thấy cô khác hẳn. Làm thế nào cô có thể điều khiển được trọng lượng?
Kim Minh cho biết: “Do đặc thù công việc người mẫu, nên Minh phải luôn kiểm soát được tình trạng cân nặng của mình. Mỗi khi tăng cân dù ít hay nhiều là Minh biết ngay.
Minh áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Buổi sáng uống thật nhiều nước, không uống một lúc nhưng uống đến ba lần với ba cốc nước đầy trước khi ăn sáng và ăn sáng thật ít. Trong ngày Minh luôn mang theo chai nước bên mình để uống. Ăn trưa đúng giờ nhưng khẩu phần ăn chủ yếu là rau và các món ăn nhẹ, hạn chế ăn cơm. Buổi ăn chiều cũng thế. Đặc biệt thời gian này Minh hoàn toàn không ăn khuya. Trong thời gian giảm cân Minh luôn bổ sung vitamin cho cơ thể bằng cách mỗi ngày Minh uống thêm hai ly nước cam và 1 – 2 ly nước bưởi ép. Song song với chế độ ăn kiêng này thì nếu có thời gian rảnh Minh lại đến hồ bơi vì đây là cách tốt nhất để làm cho cơ thể thon gọn nhanh nhất”.
4. Nắng nóng, lắm bệnh cần phải dè chừng
Thời tiết nắng nóng, oi bức từ 36 – 37oC trong những ngày qua đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của không ít người. Nếu tình hình kéo dài, theo các chuyên gia sức khoẻ, cần phải lưu ý đến một số bệnh tật thường gặp trong mùa này.
Quan sát tình hình bệnh trong vài năm gần đây, bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết: “Nếu ở xứ lạnh, bệnh hô hấp phát triển nhiều vào mùa lạnh thì ở nước ta các bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ tăng cao trong mùa nóng”. Lý do là vào mùa nóng người lớn thường cho trẻ nằm quạt, nằm máy lạnh quá nhiều. Những bệnh hô hấp thường gặp là cảm ho, nhiễm siêu vi, nhiễm khuẩn hô hấp cấp, và trong 20% trường hợp mắc những bệnh này có thể tiến triển thành viêm phổi.
Bác sĩ Tuấn cũng lưu ý phụ huynh cho trẻ chích ngừa đầy đủ những mũi bắt buộc trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Về những mũi chích ngừa tự nguyện, nếu có điều kiện, nên cho trẻ chích ngừa bệnh viêm màng não mũ do Hib (gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenza B) cho trẻ dưới năm tuổi. Bệnh này xảy ra quanh năm, nhưng có thể gây viêm phổi nặng. Một bệnh khác cũng có thể ngừa được bằng vaccine là viêm phổi do phế cầu, xảy ra sau những đợt cảm cúm do siêu vi. Để phòng ngừa bệnh hô hấp cho trẻ trong mùa nóng, bác sĩ Tuấn lưu ý người lớn cần cho trẻ nằm quạt, máy lạnh một cách hợp lý. Nếu thấy bệnh kéo dài hoặc có triệu chứng trở nặng, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay.
Cũng ở trẻ con, mùa nóng cần lưu ý những bệnh về da như rôm, sảy, u nhọt, nhiễm trùng da. Ở người lớn, thời tiết tăng cao khiến cho những người có mồ hôi dầu dễ nổi mụn nhọt. Do trời nóng làm tăng tiết mồ hôi, nên nếu giữ vệ sinh da không tốt, cũng có thể bị các bệnh do nấm như lang ben, hắc lào. Bác sĩ Lý Hữu Đức, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Da liễu, ghi nhận các bệnh này tăng cao trong những ngày nắng nóng vừa qua. Bệnh không nguy hiểm, nhưng nếu để nhiễm trùng da, vi khuẩn có thể theo máu xâm nhập vào cơ thể gây viêm cơ tim, viêm cầu thận. Phòng ngừa những bệnh này, bác sĩ Đức khuyên giữ vệ sinh cá nhân tốt, mặc quần áo thoáng mát. Với trẻ con, cần tăng cường lau mát, tắm bằng trà xanh, hạn chế ăn đồ ngọt.
Đối với người lớn tuổi, trời nắng nóng có thể là tác nhân khiến các bệnh tim mạch trở nặng. Bác sĩ Phan Hữu Phước, trưởng khoa lão bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM, giải thích do nhiệt độ tăng cao làm mất nước, rối loạn điện giải. Để phòng ngừa, ngoài việc bù nước đầy đủ, cần cho người lớn tuổi ở môi trường thoáng mát, theo dõi huyết áp và các dấu hiệu bệnh thường xuyên.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -