Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Mùa ôn thi đại học nước rút, nhiều học sinh đã tìm đến miếng cao dán chống chọi cơn buồn ngủ được bày bán trên thị trường. Theo các chuyên gia, miếng dán này có nguy cơ gây nghiện và ảnh hưởng đến thần kinh là rất cao.


Tại cửa hàng bán hàng gia dụng trên đường Tây Sơn (Hà Nội), chị bán hàng khẳng định, người dùng chỉ cần dán miếng cao chống buồn ngủ vào thái dương là có thể yên tâm tỉnh táo để ngồi học trong vòng 12 tiếng đồng hồ mà không hề cảm thấy buồn ngủ. Một gói nhỏ có 8 miếng dán với giá 42.000 đồng.
Sản phẩm được đóng gói trong bọc kín, viết bằng tiếng Nhật. Khi được hỏi về chất liệu của miếng dán, chị bán hàng cho biết thành phần cao dán được chiết xuất từ bạc hà nên giúp người dùng… tỉnh ngủ.
Theo em Nguyễn Trà My (trường trung học phổ thông Hai Bà Trưng, Hà Nội), đúng là sau khi dán không còn cảm giác buồn ngủ nữa, nhưng dùng vài lần lại thấy nhớ nếu không dùng, nhất là buổi tối. Bên cạnh đó, em thấy xuất hiện một số cảm giác lạ như thấy ức chế, muốn vung tay vung chân thật mạnh, dễ cáu gắt, không có cảm giác đói…
“Sau vài tuần sử dụng cao dán liên tục, em thấy cơ thể mệt mỏi, hay vã mồi hôi, ăn không ngon và sút cân”, Trà My cho biết.
Vừa nhắc đến cao dán chống buồn ngủ, tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Viện phó Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương đã cảnh báo: Không được sử dụng loại thuốc hay miếng dán chống buồn ngủ vì nguy cơ nghiện và ảnh hưởng đến thần kinh là rất cao. Đây là một dạng thuốc kích thần, tác động của nó là tạo hưng phấn, chống buồn ngủ, chống đói… Trong thể thao người ta coi đó là sử dụng dopping, còn trong học tập các học sinh hay lạm dụng khi đến mùa ôn thi là không phù hợp.
Bác sĩ Tuấn cho biết, mặc dù có tác dụng chống buồn ngủ nhưng thuốc có rất nhiều tác hại như cơ thể sẽ bị tăng huyết áp, tăng nhịp tim, vã mồ hôi, mất khẩu vị, vắt cạn sức dự trữ của cơ thể dẫn đến gầy mòn, suy kiệt. Về tâm thần, người dùng sẽ trở nên dễ cáu gắt, bị kích thích, hung hăng, thậm chí gây gổ.
“Những ngày đầu dùng thuốc sẽ có cảm giác căng thẳng sau đó chuyển sang ngủ gà ngủ gật, tâm thần không ổn định, dễ cáu gắt, sau vài tuần sẽ thấy trầm cảm, đau xương, càng ngày càng có nhu cầu tăng liều sử dụng. Điều này hoàn toàn không hợp lý với học sinh ôn thi”, bác sĩ nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bác sĩ Phạm Hùng Tráng, khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyên học sinh không nên dùng các loại cao dán này. “Thực chất các loại cao dán này là sử dụng chất kích thích. Khi dán lên da, thuốc sẽ thấm vào mao mạch gây kích thích lên hệ thức tỉnh qua hệ thống thần kinh. Thuốc gây nên ức chế và không có chỉ định riêng cho từng trường hợp”, bác sĩ Tráng cho biết.
Theo bác sĩ Tráng, quảng cáo bạc hà có thể chống buồn ngủ, nhất là trong mấy tiếng đồng hồ là sai vì tinh chất bạc hà chỉ gây kích thích được đường hô hấp, kích thích niêm mạc mũi, không có tác dụng chống buồn ngủ. Ông cho rằng, các bạn trẻ cần có chế độ học tập hợp lý, tiếp thu tri thức dàn trải, tránh việc đến nước rút mới nhồi kiến thức vào đầu, lúc đó có cố thức cũng chưa chắc đã được.
Các bác sĩ đưa ra lời khuyên: Trong lúc học, các em nên có chế độ ngủ hợp lý. Giấc ngủ sâu không những giúp tinh thần tỉnh táo, minh mẫn, tiếp thu kiến thức tốt hơn mà còn đảm bảo sức khỏe trong kỳ thi.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -