Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Thời tiết thay đổi, môi trường nhiều bụi bặm ô nhiễm khiến trẻ em dễ mắc bệnh, nhất là những trẻ nhỏ. Người lớn cần theo dõi, chăm sóc trẻ tốt để bệnh tật không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Trẻ dễ sổ mũi, viêm họng
Khi thời tiết thay đổi, dễ làm một số bệnh gia tăng. Trong những ngày qua, tiết trời trở lạnh, dễ khiến trẻ mắc các bệnh ở đường hô hấp như: ho, sổ mũi, viêm mũi, viêm họng, viêm amidal, viêm phế quan, viêm phổi… Theo bác sĩ Lê Kim Huệ (Trung tâm Dinh dưỡng, TP.HCM) trình bày trong một buổi truyền thông mới đây thì nguyên nhân gây bệnh ở trẻ thường là do nhiễm siêu vi – có nhiều trong không khí, hoặc lây lan trực tiếp từ người sang người. Trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp thường có những biểu hiện như: hắt hơi, chảy nước mũi, sốt, ho, họng đỏ. Trẻ dưới 1 tuổi thường hay quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn…
Nếu do nhiễm siêu vi, thì các triệu chứng trên sẽ giảm dần và khỏi hẳn sau vài ngày. Nhưng, đồng thời bệnh có thể diễn biến nặng nề hơn bởi bội nhiễm dẫn đến trẻ bị viêm phế quản, viêm phổi.
Bên cạnh đó, khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là nhiệt độ lạnh sẽ dễ gây dị ứng ở trẻ. Biểu hiện của dị ứng là: nổi mẩn đỏ, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, nặng hơn có thể khiến trẻ bị khò khè, khó thở. Thường thì các biểu hiện trên sẽ giảm dần sau vài ngày rồi hết hẳn. Nhưng nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.
Môi trường khô, bụi bặm ô nhiễm dễ làm thức ăn hàng quán nhiễm vi sinh, dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nếu việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh…
Chăm sóc, xử trí thế nào?
Đối với bệnh ở đường hô hấp, người nhà cần theo dõi nếu thấy trẻ có những dấu hiệu như: sốt cao liên tục, ho nhiều, thở nhanh, khó thở, khò khè… cần đưa trẻ đến đi khám bệnh ngay, để được chữa trị kịp thời. Còn việc chăm sóc cần chú ý: khi trẻ chảy nước mũi cần làm sạch bằng khăn giấy loại mềm để thấm. Nếu nước mũi đặc có thể dùng nước muối sinh lý (có bán sẵn ở nhà thuốc) để nhỏ mũi, rồi hướng dẫn trẻ hỉ sạch mũi, hoặc hút mũi… Khi trẻ sốt, lau mát cho trẻ bằng nước ấm, nếu dùng thuốc hạ sốt cần tham khảo ý kiến người có chuyên môn, cho trẻ uống nhiều nước, nước trái cây tươi để tránh bị mất nước, cho trẻ bú, ăn uống bình thường (nên cho trẻ dùng thức ăn lỏng, nấu mềm lúc trẻ sốt, cảm)…
Với trẻ bị tiêu chảy, không được tự sử dụng thuốc cầm tiêu chảy. Bù nước cho trẻ bằng: nước muối đường (gồm 1 muỗng cà phê muối, 8 muỗng cà phê đường pha với 1 lít nước chín); hoặc bằng dung dịch Oresol (1 gói Oresol pha với 1 lít nước chín. Khi đã pha chỉ dùng trong ngày, dùng không hết thì bỏ đi. Cho trẻ uống từng ít một sau mỗi lần đi tiêu). Khi trẻ ói mửa nhiều, sốt, lừ đừ… cần đưa đi khám ngay. Với trẻ bị dị ứng, cần cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên môn để được tư vấn điều trị, phòng ngừa…

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -